Liu Yong Hao: Đại gia đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc

Liu Yong Hao: Đại gia đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc

In Email
Liu Yong Hao: Đại gia đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc Nếu như đã không ít doanh nhân khởi nghiệp thành đạt từ các lĩnh vực điện tử, tin học, sản xuất hàng may mặc, viễn thông… thì Liu Yong Hao – một doanh nhân tài năng của Trung Quốc, lại đi lên từ lĩnh vực thức ăn gia súc.
Được biết đến là một trong những doanh nhân tài năng hàng đầu của Trung Quốc hiện nay, ngay từ những năm đầu tiên khi Đặng Tiểu Bình khởi động chính sách cho phép thành phần kinh tế tư nhân hoạt động, Liu Yong Hao đã ngay lập tức, cùng với gia đình thành lập nên Hope Group – cơ sở cung cấp thức ăn gia súc lớn nhất tại miền Tây Nam Trung Quốc.

Hope Group không ngừng đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và Liu Yong Hao đã được bầu chọn là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với số tài sản hiện có lên tới 1,12 tỷ USD.

Xuất thân từ một gia đình nông dân

Quê hương của Liu Yong Hao, một vùng đất khô cằn, cuộc sống của những người nông dân rất vất vả. Cuộc sống của Liu Yong Hao cũng vậy, nhưng cùng với những thay đổi của xã hội, sự cố gắng học tập, lao động không biết mệt mỏi đã đưa Liu Yong Hao đến thành công ngày hôm nay. Liu Yong Hao đã trở thành Chủ tịch của New Hope Group, một trong những công ty tư nhân lớn nhất của Trung Quốc.

Nhìn lại những thăng trầm đã qua, sự nghiệp của Liu Yong Hao là một câu chuyện kể đáng kinh ngạc về tính kiên trì vượt khó. Mặc dù là một sinh viên học tập đạt kết quả tốt nhưng trong thời điểm cuộc Cách mạng Văn hoá diễn ra, tương lai của Liu Yong Hao cũng không mấy sáng sủa.

Sau khi học xong trung học, Liu Yong Hao đã phải ở nhà 3 năm cùng gia đình lao động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Thời gian sau đó, Liu đã được nhận vào học trường Quản lý cán bộ công nghiệp Tứ Xuyên theo chương trình đào tạo sinh viên và công nhân cho các xí nghiệp quốc doanh. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp, nhờ kết quả học tập tốt, ông đã được trường giữ lại làm giáo viên với mức thu nhập tương đương 4,60 USD/tháng.

Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, năm 1980, nhận thấy cơ hội kinh doanh đã đến, Liu Yong Hao quyết định cùng gia đình thành lập Công ty Tư nhân Hope Group – với số vốn ban đầu là 120 USD. Khi nhớ lại thời điểm đó, Liu Yong Hao đã cho biết “Tôi nhận thấy thời đại mới của Trung Quốc đã bắt đầu, vì vậy tôi phải nắm lấy cơ hội này”.

Xã hội vừa bước ra khỏi cuộc cách mạng Văn Hoá, bước khởi đầu của Liu Yong Hao trong lĩnh vực kinh tế tư nhân thực sự là gian nan. Từ những suy nghĩ không đúng đắn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người về kinh tế tư nhân đã tạo ra những rào cản không nhỏ cho Liu Yong Hao ngay từ vấn đề vay vốn đến việc ký kết các hợp đồng kinh doanh cho công ty.

Đây là thời điểm khó khăn nhất đối với Liu Yong Hao vì các hoạt động kinh doanh của công ty chỉ bó hẹp trong thị trường miền Tây Trung Quốc, không thể tiến ra các thị trường khác.

Để giải tìm cách tháo gỡ khó khăn, qua nghiên cứu thị trường, Liu đã hướng công ty vào tập trung khai thác thị trường thức ăn gia súc và thực phẩm vì trong thời điểm đó, mức sống của người dân đã được nâng lên, nhiều người dân đã có điều kiện mua thực phẩm chất lượng cao.

Cùng gia đình xây dựng thành công thương hiệu “Hy vọng”

Mới chỉ chính thức bước vào hoạt động được trong vòng 6 năm, Hope Groupe đã có được nguồn vốn khá lớn, tổng số vốn đầu tư vào công ty đã là 10 triệu Nhân dân tệ (1,2 triệu USD). Trong những năm đầu, công ty tập trung vào kinh doanh mặt hàng trứng gà và đã thu được nhiều thành công.

Những thành công của công ty nhà Liu Yong Hao đã thu hút được sự chú ý và học tập của những người khác. Rất nhiều người đã áp dụng mô hình kinh doanh của Hope Group nên thị trường tiêu thụ trước đây của công ty đã dần bị bão hoà, sản phẩm bán ra ngày càng chậm, do đó công ty đã gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn này của công ty lại chính là thời điểm mà khả năng đánh giá thị trường và sự sáng tạo trong kinh doanh của Liu Yong Hao có điều kiện phát huy.

Qua đánh giá, Liu thấy rằng, rất nhiều nông dân ở vùng Tứ Xuyên đang chăn nuôi với một số lượng lớn lợn thịt lên tới 70 triệu con mỗi năm, nhưng nguồn thức ăn chủ yếu lại chỉ rất đơn giản từ rau và cám thường nên ít chất dinh dưỡng, hiệu quả không cao. Xác đinh đây là cơ hội kinh doanh tốt mà công ty có thể khai thác, Liu Yong Hao đã quyết định bước vào kinh doanh thức ăn cho gia súc.

Liu Yong Hao vẫn duy trì hoạt động bán trứng gà, thực phẩm, đồng thời đưa vào chế biến và cung cấp các loại thức ăn gia súc. Tiến vào thị trường này, công ty của Liu Yong Hao phải cạnh tranh với Công ty Charoen Pokphand – Thái Lan. Đây là công ty đang thống lĩnh thị trường thức ăn gia súc ở hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc bao gồm cả Tứ Xuyên.

Dựa trên ưu thế về khả năng hiểu và khai thác nhu cầu của thị trường địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên, cộng thêm nguồn tài chính khá mạnh, nên Liu Yong Hao đã tập trung vào cạnh tranh về giá với sản phẩm của Công ty Charoen Pokphand. Nhờ đó, tới tháng 3 năm 1990, sản lượng bán ra hàng tháng của Hope Group đã tăng lên con số 4.500 tấn, gấp 3 lần so với sản lượng bán ra của Charoen Pokphand tại Tứ Xuyên.

Sau khi đã giành được thị trường, Liu Yong Hao quyết định mua lại một số công ty nhà nước chuyên cung cấp thức ăn và sữa đang trên bờ vực phá sản để khôi phục và mở rộng sản xuất. Chính nhờ vậy mà các hoạt động của Hope Group đã đi vào hệ thống, quy trình quản lý đã được mở rộng. Hiện nay số nhân công làm việc cho công ty đã lên tới 10.000 người và hơn 90 chi nhánh của công ty đã hoạt động rải khắp các tỉnh thành Trung Quốc.

Để tạo đầu ra cho các sản phẩm của công ty, Liu Yong Hao không chỉ cho tiến hành chế biến và phân phối thức ăn cho gia súc, mà còn quyết tâm thực hiện các dự án cung cấp con giống cho người chăn nuôi. Đây là một phần chương trình mở rộng kinh doanh của Hope nhưng cũng là một phương thức để kích cầu cho sản phẩm thức ăn gia súc của công ty.

Hope Group đã chiếm được tới 5% thị phần thức ăn tại thị trường Trung Quốc với số dân hơn 1 tỷ người. Trong những năm tiếp theo, mục tiêu kinh doanh của công ty là nâng sản lượng và tổng thu nhập lên gấp đôi. Muốn hoàn thành mục tiêu đó, Hope phải nâng cao được sức cạnh tranh và giành lại thị phần từ tay những đối thủ khác trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Đây là những công ty rất mạnh như: Charoen Pokphand của Thái Lan, Miwon của Hàn Quốc, President Enterprises của Đài Loan.

Trong cuộc chiến này, Hope Group luôn giành ưu thế nhờ những tính toán hạ giá thành sản phẩm thông qua hệ thống quản lý chuyên nghiệp và chặt chẽ, khả năng huy động được nguồn vốn lớn, đội ngũ nhân công có trình độ chuyên môn cao.

Chính vì vậy, không chỉ ở Trung Quốc mà cả các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, Liu Yong Hao đã xây dựng thành công thương hiệu “thức ăn gia súc Hope Group” và được người tiêu dùng tin tưởng.

Tiếp tục khẳng định tài năng kinh doanh cùng thế hệ New Hope

Để thương hiệu Hope Group ngày càng phát triển, năm 1996, Liu Yong Hao đã thành lập công ty riêng lấy tên là New Hope Group hoạt động một cách độc lập. Liu Yong Hao đã mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, Liu Yong Hao đã nhanh chóng đưa New Hope Group trở thành nhà cung cấp thức ăn gia súc khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc.

New Hope Group đã trở thành một trong những công ty tư nhân được Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc đánh giá là lớn nhất Trung Quốc. Công ty đã có 170 chi nhánh các ngành sản xuất và dịch vụ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc với tổng số nhân viên là 35.000 người.

Liu Yong Hao không ngừng mở rộng New Hope Group sang các lĩnh vực thế mạnh như cung cấp cỏ khô cho gia súc, công nghiệp sữa và các loại thực phẩm, tài chính, hoạt động đầu tư sản xuất công nghiệp, bất động sản, công nghiệp hoá chất, dịch vụ, thức ăn động vật, tài chính và địa ốc…trên thị trường nhiều nước.

Mặc dù rất bận với công việc kinh doanh nhưng Liu cũng không quên dành thời gian đến nói chuyện, truyền đạt lại những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho cho sinh viên – những doanh nhân tương lai của đất nước.

Liu Yong Hao từng nói: “ Một nhà kinh doanh trong thế kỷ 21 cần có nhiệt huyết sáng tạo, nghiên cứu và học tập người khác và cần phải biết chịu đựng khó khăn gian khổ”. Với lòng nhiệt huyết, kiến thức và những đóng góp của mình cho sự nghiệp ươm nguồn tài năng kinh doanh, Liu Yong Hao đã được bầu là thành viên Ban cố vấn của trường Đại học Trung Sơn.

Theo TBKTVN

Share – Bookmark

Điền vào email của bạn để
nhận những bài viết bổ ích:


Bài viết mới hơn:
  • Người Việt làm giàu trên đất Mỹ
  • Jack Welch, nhà lãnh đạo của thế kỷ
  • Thành ông trùm buôn cổ phiếu chỉ với vài đôla
  • Sam Walton – ông vua bán lẻ ở Mỹ
  • 10 doanh nhân quyền lực nhất thế giới
  • Carlos Slim: “tỷ phú soán ngôi Bill Gates”
  • Mark Cuban – Tỷ phú từ ý tưởng lạ đời
  • Haier – Đường tới thành công
  • Nicolas Darvas: Nhà kinh doanh chứng khoán kỳ tài
  • Lucio Tan – Doanh nhân kiệt xuất của Philippines
Bài viết cũ hơn:
  • Larry S. Dickenson – Tay buôn máy bay số 1 thế giới
  • Frank Winfield Woolworth – Chuyện về chủ nhân tòa nhà chọc trời đầu tiên
  • Những người cầu toàn từ hãng Miele & Cie
  • Yoshihiro Yasui – Nhất nghệ tinh., nhì… nhạy bén!
  • Chuyện gia đình ông vua thép Mittal: Kinh doanh “xác chết”
  • Tỷ phú khởi nghiệp từ 250 USD vay của vợ
  • Người “giữ lửa” cho thời trang nước Anh
  • Bài học kinh doanh từ bà chủ của hãng mỹ phẩm Bésam
<< Trang trước

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top